Tin tức
02 Nov 2016

Phương pháp dùng người "khác người" của người Nhật

Nhật Bản vốn là một đảo quốc nhỏ bé, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi và thiên tai liên tục. Vậy nhưng, người Nhật đã làm được nhiều điều kỳ diệu khiến thế giới phải ngưỡng mộ. Họ đi lên từ một quốc gia với tàn tích chiến tranh trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Doanh nhân Nhật là những người rất giỏi trong việc học hỏi và tiếp thu trí tuệ của các dân tộc khác. Họ vận dụng văn hoá châu Á kết hợp với kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của Âu- Mỹ sao cho vẫn hài hoà với tình hình Nhật Bản một cách sáng tạo.

thinkstockphotos-480693371-800xx1958-1100-0-298

Doanh nhân Nhật Bản làm nên cơ nghiệp nhờ tinh thần chịu khó và ý chí kiên định. Mô hình quản lý kiểu gia tộc và tư tưởng lấy con người làm gốc của doanh nghiệp Nhật giúp cộng đồng doanh nhân Nhật luôn đoàn kết như một gia đình. Tinh thần "ông chủ như cha mẹ", "sếp phải noi gương cho nhân viên", cách dùng người "khác người" là những yếu tố giúp hàng chục công ty đến từ đất nước mặt trời mọc lọt vào top đầu thế giới và duy trì sản nghiệp của mình một cách lâu đời.

Sử dụng "Nhân tài kỳ lạ"

Chủ tịch Morita Akio của hãng Sony có tiếng "đột phá" trong cách quản trị nhân tài. Với ông, "bằng cấp" không thể quan trọng bằng kinh nghiệm thực tế và khảo sát năng lực trong công việc thường ngày. Toàn bộ hồ sơ nhân sự của mọi người khi được nhận vào công ty đều bị huỷ bỏ, vậy nhưng Morita chưa bao giờ thuê bất cứ ai tầm thường cả. Nhân viên của Sony đều là những người tràn đầy nhiệt huyết và sức sống, dám sáng tạo cũng như có thể phát huy tài trí của mình ở mức tối đa.

1

Morita Akio từng tuyển dụng Oga Norio - một ca sĩ đam mê khoa học tự nhiên - trở thành "Trưởng phòng máy ghi âm" và rồi "Giám đốc trung tâm thiết kế". Mọi sản phẩm của Sony thời Oga Norio đều được công nhận sang trọng, cá tính hơn hẳn các sản phẩm khác. Tài năng âm nhạc và trên hết là thiên tính của một nghệ sĩ, Morita Akio đã nhìn ra được ở Oga Norio và đem lại những lợi ích cực lớn cho Sony.

Không dùng người thông minh

Seibu là một trong ba tập đoàn lớn nhất Nhật Bản cùng với Thép Nippon & Mitsubishi. Ông chủ tịch Tsutsumi Yoshiaki của Seibu cũng có cách dùng người thực sự khác biệt. Theo ông: "Trình độ học vấn chỉ chứng minh thời gian một người được giáo dục chứ không thể đại diện cho tài năng chân thực của anh ta." Chính vì vậy mà ở Seibu, tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau cho dù là sinh viên đại học hàng đầu hay học sinh trung học cao đẳng... Chỉ cần vượt qua kỳ thi của Seibu, bạn sẽ đều được bắt đầu từ cấp cơ sở. Sau 3 năm rèn luyện thực tế, cấp bậc lên đến đâu phụ thuộc vào phẩm chất và năng lực làm việc của bạn.

Chính sách "không coi trọng giá trị" việc học đại học của Seibu từng bị xã hội Nhật Bản dị nghị, nhưng Tsutsumi Yoshiaki chưa bao giờ quan tâm. Bởi lẽ, ông tin rất nhiều người trẻ tuổi có tài năng thực sự bất chấp trình độ học vấn thấp.

Không dùng người thân

Đặc trưng tiêu biểu trong cách dùng người của Honda Soichiro - nhà sáng lập tập đoàn Honda là không dùng người thân. Ông nói: “Doanh nghiệp của mình không phải là doanh nghiệp cá nhân, hay là của nhà Fujisawa (người góp vốn đồng sáng lập với Honda) nên không ai được phép biến nó thành tài sản tư hữu.” Soichiro nói là làm. Năm 1964, ông cho em trai Benjiro - người cùng ông gian khổ lập nghiệp rút lui khỏi vị trí thành viên hội đồng quản trị Honda.

2

Đối với con cái mình, ông cũng không có ngoại lệ. Ông kiên quyết không cho con trai Hirotoshi vào Công ty Honda bởi tin rằng: "Nhét con cái mình vào công ty và cho nó ở chức vụ quan trọng thì mọi người chắc chắn sẽ không bằng lòng." Và ông tin mình cũng phải xử lý nghiêm khắc nếu mắc sai phạm bất kể con cái kêu ca như thế nào. Ông dạy con trai: "Con đường của mình phải tự mở. Cha đã từng bước đi như vậy. Nếu cha cho con vào công ty thì con sẽ không bao giờ trưởng thành. Cha tin con cũng có thể giống cha, lập nên nghiệp lớn bằng chính năng lực của mình."

Những người có "lòng biết ơn"

Người Nhật rất trọng tình trọng nghĩa. Trong một khảo sát hơn 100 nhà lãnh đạo doanh nghiệp về người mà bạn kính trọng nhất sau cha mẹ ra, 95% người tham gia phỏng vấn đều có câu trả lời là người sếp cũ từng trọng dụng mình. Oyama Umeo - một ông trùm trong giới doanh nhân Nhật cũng luôn lấy "tình cảm" để quản lý nhân viên của mình.

Ông Umeo sẵn sàng cho những lãnh đạo trẻ giữ chức vụ quan trọng trong công ty, nhưng những người sau khi thăng tiến mà tự cho mình giỏi giang, không biết cảm ơn, không biết nỗ lực hoàn thiện bản thân, dùng thành tích để báo đáp thì họ sẽ không thể tiến xa hơn được nữa.

Doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ sáng tạo trong cách thức hoạt đông kinh doanh, quản lý con người cũng là một nghệ thuật để duy trì và phát triển doanh nghiệp. Với những quan điểm giàu tính triết lý, phổ quát, thiên lệch và "khác người" so với cách quản lý ở các nước phương Tây, Nhật Bản đã chứng minh vì sao họ là một trong những cường quốc hùng mạnh nhất trên thế giới.  


Nguồn tư liệu: Trí tuệ Kinh doanh của người Nhật 

COMMENT