Những yếu tố làm nên nhà lãnh đạo tài ba
Thành bại của tổ chức, doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào năng lực của nhà điều hành và thực trạng chỉ ra rằng một phần không nhỏ các lãnh đạo đều đang không làm tốt công việc của mình. Trong 10 năm nghiên cứu qua, Tạp chí Kinh doanh Harvard (Harvard Business Review) đã tiến hành phỏng vấn hơn 2.700 nhà điều hành và quản trị để tìm hiểu những yếu tố giúp nhà lãnh đạo được xếp vào hàng xuất chúng và làm nên đẳng cấp khác biệt cho họ so với những người đồng cấp.
Thấu hiểu ngọn ngành doanh nghiệp, tổ chức
Những nhà điều hành xuất chúng biết phải làm sao để lắp ráp vừa vặn mọi mảnh ghép trong doanh nghiệp, tổ chức và qua đó mang lại thành công cũng như tạo nên giá trị vững bền. Trên thực tế, nhiều lãnh đạo thăng tiến vào đội ngũ giám đốc từ những bộ phận như Marketing hay Tài chính vẫn ít nhiều tồn tại “bản năng thiên vị”, chỉ ưu tiên tập trung đầu tư vào lĩnh vực sở trường của mình và lơ là những mảng khác. Trong khi đó, một nhà điều hành chuẩn mực phải biết phối hợp và đồng bộ cả tổ chức thành một cỗ máy hoạt động thống nhất. Họ có cái nhìn toàn cảnh rộng mở hơn và chịu trách nhiệm cho mọi phòng ban trong doanh nghiệp, tổ chức.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo tài ba cũng tập trung củng cố, thắt chặt sợi dây liên kết giữa các phòng ban để hạn chế tối đa rạn nứt nội bộ, cũng như tăng cường sự phối hợp ăn ý với nhau. Đơn cử, một công ty liên tục gặp thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng và tụt lại xa so với các đối thủ cạnh tranh. Họ đã làm gì khi thêm một triển vọng quý không được như mong đợi? Bộ phận Sales điều chỉnh giá thành, phòng Marketing tập trung phát triển những hình thức tiếp thị hiệu quả hơn, còn chuỗi cung ứng cố gắng đón đầu những thay đổi bất ngờ vào phút chót. Tất cả đã làm mọi thứ cần phải làm, nhưng tại sao mà kết quả cuối cùng chẳng bao giờ được cải thiện? Nguyên nhân sâu xa chính bởi sự rời rạc giữa các bộ phận, mạnh ai người nấy làm mà thiếu đi sự liên kết chặt chẽ với nhau. Từ đây, trách nhiệm của nhà quản lý phân tích, thấu hiểu vấn đề chính và thống nhất hướng giải quyết một cách có hệ thống. Chỉ một năm sau sự đổi thay này, mức độ hài lòng của khách hàng dành cho sản phẩm của công ty tăng đến hơn 40%.
Ra quyết định hiệu quả
Một nhà điều hành hàng đầu luôn lắng nghe mọi suy nghĩ, quan điểm cá nhân, sau đó đi sâu phân tích, cân nhắc, so sánh các sự lựa chọn và phải là người ra quyết định cuối cùng cũng như trực tiếp truyền đạt một cách rõ ràng nhất. Làm chủ được kỹ năng này, người lãnh đạo như tiếp thêm cho các nhân viên dưới quyền nguồn sức mạnh tinh thần, giúp họ tự tin hơn, tập trung vì công việc hơn. Biết chọn lọc, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý cũng thể hiện sự xuất sắc của nhà điều hành. Tập trung trước mắt vào những mục tiêu quan trọng hơn cả đảm bảo khả năng thành công cao cũng như tránh đi sự rối rắm, mất phương hướng khi cố gắng ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc.
Bí quyết để nâng cao khả năng ra quyết định hiệu quả nằm ở sự cân bằng giữa trực giác và lý trí. Bên cạnh những dữ liệu khách quan và chi tiết, những phân tích chính xác về vấn đề đang phải đối mặt, nhà điều hành cũng cần phải tin tưởng vào bản năng và vốn kinh nghiệm từng trải của mình. Sự hài hòa giữa 2 yếu tố này không phải là điều dễ dàng làm được với phần đông, với người thì quá bốc đồng, hấp tấp, còn người thì quá cứng nhắc lệ thuộc vào những phân tích khô khan.
Chính vì vậy mà ra quyết định hiệu quả là một trong những khả năng thực sự hiếm trong giới lãnh đạo. Theo một cuộc khảo sát 2.207 nhà điều hành, chỉ 28% số người được hỏi tự tin nói tương đối tốt về những quyết định chiến lược của mình trong tổ chức, doanh nghiệp. Trong khi đó, 60% tỏ ra dè dặt hơn với lúc đúng lúc sai, còn lại 12% thẳng thắn thừa nhận họ thường xuyên phải hối hận với những gì mình đã quyết định. Công bằng mà nói việc đưa ra quyết định sai lầm cũng không hoàn toàn do khả năng hạn chế của cá nhân. Đây vốn đã là vấn đề cố hữu với quy mô tầm tổ chức. Vậy nên, môi trường cũng chi phối những quyết định của nhà điều hành dù cho họ có thể đã có cho mình sự đúng đắn từ ban đầu.
Thiết lập những mối quan hệ sâu sắc và vững bền
Không chỉ cần có sự gắn kết với các đồng nghiệp cùng tổ chức, các nhà lãnh đạo cũng phải tập trung xây dựng mối quan hệ với các đối tác hay khách hàng để dễ dàng đạt được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi và trở thành một đối tác được tín nhiệm. Danh tiếng, hình ảnh và công việc kinh doanh làm ăn của tổ chức, doanh nghiệp qua đó được hưởng lợi từ tiếng nói đầy sức thuyết phục của nhà điều hành xuất chúng.
Thiết lập những mối quan hệ có ý nghĩa là cả một nghệ thuật và thất bại trong kỹ năng này có thể khiến nhà điều hành trả giá bằng chính công việc của mình. Những cái tên xuất sắc nhất luôn thể hiện phong thái tự tin nhưng vẫn đậm chất khiêm tốn và quan trọng hơn, họ thực sự quan tâm đến mong muốn của những người khác chứ không có tính áp đặt suy nghĩ hay chỉ vụ lợi cho bản thân. Nhà điều hành thắt chặt sự kết giao bởi họ rất có ý thức tích cực tiếp thu các ý kiến phản hồi về mình cũng như nhạy cảm hơn với những thiếu sót bản thân để tạo dựng lòng tin với mọi người.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến thất bại trong thiết lập quan hệ với đội ngũ là do những sợ hãi, mặc cảm của nhà điều hành, rằng họ không đủ năng lực làm việc, thành tích kém cỏi hay những tấn công chính trị từ đối thủ cạnh tranh. Không thiết lập được những mối quan hệ tốt đẹp cũng là lý do phổ biến nhất của thất bại trong chuyển đổi nhà điều hành.
Nguồn: Harvard Business Review
COMMENT