NHỮNG ĐIỀU CẦN TRÁNH TRONG HUẤN LUYỆN
Trong quá trình làm việc, ai cũng có thể mắc lỗi ngay cả đó là những lãnh đạo hay nhà huấn luyện chuyên nghiệp. Tuy nhiên, rất có khả năng việc mắc lỗi và rút ra được những kinh nghiệm “để đời” đã tôi luyện những con người ấy trở thành vĩ đại. Biết được lỗi sai và những lời khuyên để phòng tránh chúng là một cách học hỏi rất tiết kiệm mà bạn có thể thực hiện ngay bây giờ.
- Tuân theo những giáo án huấn luyện mẫu
Đúng là có rất nhiều những giáo án huấn luyện đã được ghi lại và bổ sung bởi những người đi trước thông qua trải nghiệm và kiến thức của họ. Nhưng chúng đều có một điểm chung, đó là chúng không thực sự hữu dụng trong các hoàn cảnh thực tế. Mỗi một người khi tìm đến các huấn luyện viên đều có câu chuyện khác nhau, sở hữu tính cách, lối sống và tư tưởng khác nhau. Do đó, bạn cần những cách tiếp cận sao cho phù hợp cho khách hàng mà vẫn cung cấp được những gì mà họ cần.
- Nói tất cả những gì bạn biết
Một nhà huấn luyện giỏi cần phải có sự can đảm. Các cuộc trò chuyện có thể trở nên gay gắt hoặc rất nhạy cảm nếu quan điểm của huấn luyện viên với người được huấn luyện trở nên đối nghịch nhau ở một vấn đề nào đó. Do vậy sự can đảm ở đây đồng nghĩa với việc, bạn biết điểm dừng trong quá trình huấn luyện, một vấn đề nào đó đang có xu hướng đẩy cuộc trao đổi trở nên tiêu cực. Hãy giữ lại cho mình một khoảng an toàn.
- Làm hộ thay vì gợi ý
Trong một buổi trò chuyện với huấn luyện viên, sẽ không có thời gian rảnh để nảy sinh ra những câu hỏi mơ hồ, không quan trọng. Một người huấn luyện viên tốt luôn bắt đầu buổi huấn luyện bằng câu hỏi: “ Điều quan trọng nhất mà chúng ta nên thảo luận lúc này là gì?”
Giả sử có người A gặp rắc rối trong quá trình làm việc của mình. Dù ý tốt của bạn là đưa ra gợi ý để giúp họ giải quyết rắc rối đó nhưng chính bạn sẽ dễ dàng trở thành người đi xử lý rắc rối đó của họ. Đó không phải là việc của bạn. Tất cả chúng ta đều có khuyết điểm, sẽ có sai sót , những huấn luyện viên chắc chắn có thể đưa ra các hướng dẫn để giúp những người đang gặp rắc rối giảm đi những ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, công việc chính của một huấn luyện viên đó là chỉ ra những năng khiếu, những điểm tốt của họ để họ nhận ra và tận dụng ưu điểm của mình khắc phục những sai lầm và cải thiện bản thân mình. Từ đó họ sẽ tự xây dựng được một tương lai tốt đẹp bằng chính nỗ lực của mình.
- Nói quá nhiều
Khi chúng ta là những huấn luyện viên, một lẽ đương nhiên rằng chúng ta sẽ là những người yêu thích việc chia sẻ và cho rằng những quãng thời gian im lặng sẽ gây ra sự khó chịu trong một buổi trò chuyện. Tuy nhiên, những nhà huấn luyện giỏi đã hiểu rằng không gian tĩnh được tạo ra khi những người lắng nghe họ đang tập trung suy ngẫm và chiêm nghiệm. Các nhà huấn luyện cũng hiểu rằng đôi khi chỉ cần lắng nghe những tâm sự, nguyện vọng và đam mê của đối phương, cũng là đã đủ để người khác tìm đến họ.
- Kiểm soát các kết quả
Tất cả chúng ta đều muốn giành chiến thắng và ai cũng muốn được người khác công nhận. Trải qua buổi huấn luyện, trở về với công việc thường ngày, khách hàng sẽ tự tạo ra kết quả cho mình. Đó có thể là sự thành công nhưng đôi khi đó cũng có thể là những vấp ngã. Bất kể điều đó là gì đều sẽ là “tài sản” của người được huấn luyện. Tất nhiên, khi họ thành công, họ hoàn toàn có thể nói “Huấn luyện viên của tôi rất giỏi, nhưng tôi thực sự đã tự mình làm hầu hết những việc quan trọng để đạt được thành công như bây giờ.”
Sự thật là vậy, huấn luyện viên là người đưa ra gợi ý, cách thức từ kiến thức và trải nghiệm của bản thân. Còn những người được huấn luyện lại là những người dựa trên những gì họ nghe được, học được, tận dụng những gì họ có, thêm cả những linh hoạt trong công việc và cuộc sống để gặt hái được những kết quả xứng đáng.
- Đưa ra nhiều lời khuyên
Nhiều người tin rằng việc đưa ra lời khuyên sẽ khiến họ trở nên có ích hơn. Thật không may, đây là hình thức huấn luyện không tốt chút nào. Các huấn luyện viên giỏi rất hạn chế việc đưa ra lời khuyên. Thay vào đó, họ đưa ra các lựa chọn để buộc người nghe phải nghĩ và tự quyết định. Khi đó người nghe sẽ có cái nhìn sâu sắc và kỹ lưỡng trước khi quyết định hành động. Một số cách mà các huấn luyện viên giỏi đó làm chẳng hạn như khuyến khích, thách thức, hỏi han, đưa ra những ý kiến trái chiều, các câu khẳng định hay đặt câu hỏi cho họ - những người tham gia huấn luyện. Để họ suy nghĩ và tự đi tìm câu trả lời phù hợp với bản thân.
- Không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng
Một buổi huấn luyện không bao gồm việc tập trung chia sẻ sở thích, kinh nghiệm từ hai phía. Thay vào đó, buổi huấn luyện sẽ là thời gian mà huấn luyện viên tập trung vào người được huấn luyện. Tức là trước buổi huấn luyện được diễn ra, những nhà huấn luyện cần tìm hiểu về “khách” của mình bao gồm năng lực, điểm mạnh, những điều khiến họ thấy hứng thú,... Sau đó, khi bắt đầu quá trình huấn luyện, nhà huấn luyện cần gác lại toàn bộ những mối bận tâm ngoài lề của mình để tập trung vào vị “khách”, bóc tách khả năng và thảo luận về bản thân họ, giúp họ nhận ra điểm mạnh và mục tiêu tương lai của mình. Từ đó người được huấn luyện sẽ nhìn thấy rõ hơn những gì mình cần làm và con đường mình sẽ đi.
- Kết thúc quá trình huấn luyện mà không có bất cứ cam kết nào
Một quá trình huấn luyện đạt kết quả tốt luôn có 2 yếu tố hiện hữu: sự thấu hiểu và hành động sau đó.
Nếu kết thúc quá trình huấn luyện mà người được huấn luyện không có bất cứ sự thay đổi nào, thì quá trình đó chỉ là một chuỗi các cuộc trò chuyện thú vị giữa hai người bạn. Do vậy trong quá trình huấn luyện, nhà huấn luyện cần phải liên tục đưa ra những câu hỏi khiến cho người được huấn luyện phải chủ động làm một việc gì đó mà trước kia họ chưa từng làm. Từ đó, người được huấn luyện sẽ sử dụng những thói quen này tạo ra những thay đổi đáng kể trong sự nghiệp và tương lai của họ.
COMMENT