7 Bước Từ Bỏ Thói Quen Xấu
Thói quen rất khó để từ bỏ – tuy nhiên với một kế hoạch phù hợp thì việc này hoàn toàn có thể được thực hiện.
Ai cũng có thói quen xấu. Dĩ nhiên, số lượng và kiểu thói quen xấu giữa mỗi người là khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều ít nhiều có những thói quen đó. Điều tuyệt vời là chúng ta không “cần phải có” những thói quen này. Con người có khả năng thay đổi, do đó hãy bắt đầu!
Có hai loại thói xấu: Thói xấu bạn có thể tự nhận biết, nhưng người khác không thể, và những thói xấu bạn không biết mình sở hữu trong khi người khác dễ dàng nhận ra.
Làm cách nào bạn có thể từ bỏ một thói xấu mà mình không nhận ra? Câu trả lời vừa đơn giản vừa khó: Yêu cầu một ai đó cực kỳ thành thật với bạn. Bạn có sẵn sàng chấp nhận mất mặt, hay muốn nghe mọi người nói xấu sau lưng mình? Hãy dũng cảm yêu cầu. Nên nhờ một người quan tâm và yêu quý bạn thực sự. Hãy lắng nghe họ góp ý, chấp nhận và cố gắng cải thiện thay vì phản ứng lại.
Thế còn đối với những thói xấu tự chúng ta biết? Những thói xấu này là khó đối phó nhất. Vì sao? Bạn biết về nó rất rõ nhưng vẫn chưa từ bỏ được. Nếu những thói xấu này không “khó nhai”, chúng đáng lẽ đã bị loại bỏ.
Vậy làm sao để bạn tống khứ một thói xấu ra khỏi cuộc đời mình? Dưới đây là một số yếu tố cần phải có trong kế hoạch của bạn:
-
Bạn phải thực sự muốn từ bỏ
Thực tế, một số người không quyết tâm loại bỏ những thói xấu của họ. Do đó, việc đầu tiên cần làm là tự hỏi chính bản thân liệu bạn có thực sự muốn từ bỏ thói xấu của mình. Bạn muốn làm điều đó? Tốt. Chúng ta tiếp tục với bước tiếp theo. -
Tạo một danh sách những lý do khiến bạn muốn từ bỏ những thói xấu của mình.
Nên nêu những lý do tích cực. Tạo một danh sách thật dài. Hãy bắt đầu với những lý do thực sự thôi thúc và gây ảnh hưởng đến bạn. Giờ thì cố gắng luôn ghi nhớ chúng và tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày. Bằng cách làm này, bạn sẽ tạo ra sự liên hệ giữa việc từ bỏ những thói quen xấu và những lợi ích thu được. Nếu bạn muốn giảm cân, hãy nghĩ đến hình ảnh bạn trông thật cân đối và đẹp mắt trong những chiếc quần bò hợp mốt. Nếu bạn muốn ngừng hút thuốc, thử hình dung cảnh bạn nhận được nụ hôn nồng nàn từ vợ/ chồng/ người yêu thay vì bị bắt đi đánh răng. -
Chọn lựa
Khi đã có cơ sở để từ bỏ, điều quan trọng tiếp theo là: bạn phải xác dịnh ý chí bản thân và chọn hành động. Hãy tự nhủ ngày qua ngày rằng “Tôi chọn từ bỏ…” Eisenhower từng nói, “Lịch sử của người tự do được viết nên không phải tình cờ mà từ những lựa chọn, những lựa chọn của chính họ.” Đây chính là lựa chọn của bạn. Bạn đang viết nên lịch sử của chính mình. -
Hành động
Đây là vấn đề “nhức nhối”, bởi hai lý thuyết. Một lý thuyết cho rằng bạn phải hành động thật quyết liệt – “được ăn cả ngã về không”. Lấy ví dụ việc giảm cân, một người sẵn sàng trả một khoản phí lớn tham gia một phòng tập gym, thay đổi thời khóa biểu và đạt mục tiêu mỗi ngày trong suốt một năm. Người đó sẽ có thể giảm cân. Họ hành động quyết liệt và nhanh chóng – và việc này có hiệu quả với một số người. Một số khác nỗ lực không thành công, cảm thấy thất bại và rơi vào tình trạng tồi tệ hơn lúc trước. Những người này nên bắt đầu chậm hơn, đi từng bước nhưng phải thực sự chắc chắn theo một mục tiêu cụ thể. Họ có thể khởi đầu bằng việc đi bộ ba ngày một tuần. Họ giới hạn xuống còn hai món tráng miệng một tuần thay vì bảy. Cả hai cách đều HIỂU QUẢ, chừng nào bạn còn hướng đến mục tiêu cuối cùng. Vậy bạn thuộc tuýp người nào? -
Kể cho người khác về kế hoạch của bạn
Đây là đối tác trách nhiệm của bạn. Hãy cho họ biết mục tiêu và kế hoạch của bạn. Liệt kê những mục tiêu và kế hoạch đó ra giấy và nhờ họ thường xuyên kiểm tra sự tiến bộ của bạn. Việc này sẽ giúp thôi thúc và nhắc nhở nếu bạn đi chệch khỏi kế hoạch ban đầu. -
Đứng lên sau thất bại
Chắc chắn hầu hết mọi người sẽ có những thất bại. Điều quan trọng là coi chúng là một thất bại chứ không phải những lý do để quay đầu. Hãy vực dậy bản thân và tiếp tục. Có những người muốn giảm 10kg nhưng sau khi giảm 5kg họ lại bắt đầu ăn rất nhiều đồ ăn. Sau đó họ cảm thấy tồi tệ và đầu hàng. Đừng như vậy! Hãy đặt lại mục tiêu và tiếp tục. Coi đó như một kinh nghiệm! Tự nhủ với bản thân rằng “Đôi khi bạn thành công và đôi khi bạn rút ra bài học.” Quan trọng là bạn không được từ bỏ kế hoạch cho đến khi đạt được mục tiêu đã đặt ra. -
Tự tán thưởng
Bạn nên thường xuyên chúc mừng chính mình bằng cách tự thưởng một số món quà. Bắt đầu từ những chiến thắng nhỏ và lên kế hoạch ăn mừng thật lớn một khi bạn chắc chắn rằng mình đã chiến thắng thói quen xấu đó.
Tác giả: Chris Widener
Dịch và biên tập: GCV
COMMENT