5 bài học lãnh đạo không bao giờ là quá sớm để lĩnh hội
Bạn đã bao giờ từng học môn chuyên ngành "Lãnh Đạo"? Có rất nhiều những buổi hội thảo hay khoá học về kỹ năng lãnh đạo nhằm mục tiêu nâng cao năng lực quản trị cho đội ngũ quản lý nhưng kiến thức không thì không đủ. Kinh nghiệm mới là những bài học đắt giá.
Có một vài người dành cả cuộc đời mà vẫn không bắt được những nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất trong thuật quản trị trong khi đó những người khác lại mặc vừa ngay chiếc áo "lãnh đạo". Tại sao vậy? Có rất nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này bởi mỗi người đều có một trải nghiệm là "thủ lĩnh" khác nhau. Nhưng hãy không ngừng học hỏi, càng sớm tiếp thu những hiểu biết về kỹ năng lãnh đạo, thì bạn càng dễ dàng có cơ hội trải nghiệm, điều chỉnh sao cho phù hợp và hiệu quả trong suốt sự nghiệp sau này.
Hãy nhớ 5 nguyên tắc về kỹ năng lãnh đạo cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn bước những bước đi đúng hướng ngay từ khi bắt đầu.
Tuyển dụng nhân tài là ưu tiên tối thượng
Rõ ràng bạn không thể làm lãnh đạo mà không có các nhân viên dưới quyền. Trách nhiệm của một nhà quản lý là xây dựng đội ngũ làm việc có năng lực. Sau đó, bạn có thể dần ủy thác, giao phó trách nhiệm và dẫn dắt mọi người cùng nhau làm việc một cách hiệu quả nhất.
Không có đúng hay sai trên lý thuyết trong quá trình xây dựng đội ngũ nhân viên bởi nó phụ thuộc hoàn toàn vào những mục tiêu, những điểm mạnh yếu của bạn. Nhưng tựa chung lại, bạn nên tìm hiểu mọi ứng viên xem có thể tin tưởng họ hoàn thành các trách nhiệm được giao phó hay không. Các nhân viên phải có sự tôn trọng bạn với tư cách lãnh đạo, nhưng đồng thời cũng cần có sự thoải mái vừa đủ để nói lên quan điểm cá nhân và tự quyết định một số vấn đề chuyên môn.
Hãy ghi nhớ lời của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan: “Tìm những người tốt nhất mà bạn có thể tìm được, ủy thác trách nhiệm cho họ và không can thiệp miễn sao công việc, mục tiêu vẫn được hoàn thành.”
Lòng tin cực kỳ quan trọng
Một phần hàm ý trong câu nói bên trên của Ronald Reagan chính là đây. Bầu không khí tin tưởng lẫn nhau luôn phải hiện hữu nơi công sở nếu bạn kỳ vọng công việc suôn sẻ và thành công. Lãnh đạo và nhân viên phải có sự tin tưởng lẫn nhau và tương tự là giữa nhân viên và nhân viên. Ứng xử hợp lý và khéo léo sẽ tạo dựng được sự gần gũi, thân thiện trong đội ngũ, qua đó góp phần giúp làm việc hiệu quả và hăng hái hơn.
Tuyển dụng nhân viên đáng tin cậy chắc chắn là điều không phải bàn cãi – những người trung thực, cởi mở, cầu tiến. Hơn thế nữa, bản thân bạn phải có trách nhiệm xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp phù hợp để khuyến khích sự trung thực và tinh thần cộng tác của nhân viên.
Hãy để nhân viên tự do bày tỏ ý kiến cá nhân, thậm chí cả những lời phàn nàn mà không khiến họ phải e dè dễ gây mất lòng sếp hay hình phạt nào treo lơ lửng trên đầu sau đó. Thừa nhận sai lầm của mình, truyền đạt rõ ràng minh bạch, không giấu diếm mục đích cá nhân và có những chế độ khen thưởng cho những nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hòn đá tảng
Bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thời điểm khó khăn trong sự nghiệp. Điều này là không thể tránh khỏi, bất kể đặc thù công việc của bạn ra sao, trình độ chuyên môn của bạn và đội ngũ như thế nào… Và vì là người lãnh đạo, bạn sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn cả trong những ngày mịt mù này.
Vậy nên, bạn luôn phải chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất. Nếu không thể kiểm soát được khối áp lực khổng lồ này, bạn sẽ suy sụp hoàn toàn và bất lực cứu vãn tình hình, khiến mọi chuyện chỉ trở nên tệ hại hơn.
Thay vì sớm chán nản trước những nghịch cảnh thì bạn nên coi chúng như những cơ hội tốt để thử thách năng lực xử lý của mình. Trên hết, đây sẽ là những bài học quý báu giúp bạn rút kinh nghiệm và dần cải thiện về sau. Và phải nhớ rằng, tính kiên nhẫn đóng vai trò rất quan trọng trong những giai đoạn khó khăn này.
Ý tưởng phải đi liền với thực tế
Không cần phải làm lãnh đạo thì vốn ai cũng mong muốn bản thân phong phú những ý tưởng sáng tạo rồi. Bạn vẽ ra viễn cảnh đầy hứa hẹn cho tổ chức, doanh nghiệp và mong muốn chúng được hiện thực hóa hoàn hảo đúng như những gì đã kỳ vọng. Các nhân viên phải hoàn thành công việc đúng như thế này thế kia và rồi chỉ có những sản phẩm mỹ mãn được cho ra lò.
Tuy nhiên rất không may, trên đời chẳng có cái gì gọi là hoàn hảo cả. Một số ý tưởng đơn giản là bất khả thi khi đi vào thực tế. Chính vì vậy, người lãnh đạo như bạn không những phải có sự sáng tạo, mà còn phải biết sáng tạo có chọn lọc. Bạn cần thảo luận, nghiên cứu bối cảnh thực tế cả chủ quan và khách quan, cân nhắc kỹ lưỡng xem liệu ý tưởng của mình có phù hợp và thành công hay không rồi mới ra quyết định cuối cùng.
Học… chẳng bao giờ là đủ!
Không có lúc nào mà bạn nên nghĩ thế là đủ rồi, khi lượng thông tin, kiến thức là vô hạn. Luôn luôn có cho mình những ý tưởng mới để cân nhắc, những chiến lược mới để thử nghiệm, những sự kiện mới để chạy. Nếu như không đảo bảo được sự liên tục này, công việc kinh doanh và chất lượng làm việc của tổ chức, doanh nghiệp sẽ bị trì trệ.
Vậy nên, bạn cứ phải trau dồi vốn hiểu biết của mình mọi lúc mọi nơi, kể cả bận bịu đến mấy cũng nên cố gắng sắp xếp thời gian. Tham dự các khóa học, hội thảo, đọc sách và thường xuyên cập nhật tin tức thời sự. Những nhà lãnh đạo cầu tiến đến độ luôn “đói khát” kiến thức như vậy, nhiều khả năng sẽ đưa ra những ý tưởng mang tính cách mạng và đạt được những thành công xuất sắc cho tập thể.
Nguồn: Business Insider
Lược dịch bởi Growth Catalyst Vietnam
COMMENT